Dục tốc bất đạt
Theo PGS Đặng Quốc Bảo, năm 2020 Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, trong đó đáng chú ý là kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; thứ hai là kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục cũng phải làm theo những lời huấn đức và tâm nguyện của Người; UNESCO đã quyết định tổ chức kỷ niệm 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An - bậc sư biểu của giáo giới Việt Nam.
“Tôi nhận thức được rằng, hiện nay có thể có những vấn đề chúng ta chưa hài lòng về mặt này, mặt kia đối với sự phát triển của giáo dục nước nhà, nhưng cũng không thể phủ nhận những thành tích lớn lao nhất của đất nước là do ngành Giáo dục mang lại. Chúng ta phải rất công bằng và khách quan khi nhìn nhận, đánh giá về GD - ĐT. Có thể mỗi một ngành có đặc thù riêng, nhưng rõ ràng, chưa ngành nào tạo ra những thành tựu để cuộc sống luôn vận động như ngành Giáo dục” - PGS Đặng Quốc Bảo khẳng định.
PGS Đặng Quốc Bảo. Ảnh: TG
Minh chứng cho nhận định của mình, PGS Đặng Quốc Bảo viện dẫn: Nói ngay đến việc xây dựng trường học hạnh phúc đang rất sôi nổi trên tất cả các tỉnh thành của cả nước; đầu tiên, trường học hạnh phúc xuất phát từ Hà Nội mà điển hình là những trường như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Đinh Tiên Hoàng... Họ quan niệm, muốn có Trường học hạnh phúc thì phải có lớp học hạnh phúc, thậm chí là giờ học hạnh phúc. Đó là những nét đẹp trong đời sống hiện nay và cũng là những gam màu tươi sáng của bức tranh giáo dục, để từ đó chúng ta có niềm tin về sự nghiệp đổi mới GD - ĐT của nước nhà.
Càng nghĩ, chúng tôi càng thấy có rất nhiều hệ giá trị đặt ra cho đất nước, cho thế hệ trẻ. Những điều Bác căn dặn ở trên như là minh triết cho ngành Giáo dục trong cuộc cải cách cách giáo dục lần thứ nhất.
PGS Đặng Quốc Bảo
Cho rằng, giáo dục không thể nóng vội, bởi “dục tốc bất đạt”; PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh: Đây là điều Bác Hồ từng dạy. Bác căn dặn, làm việc phải có kế hoạch, phải làm từng bước và không thể nóng vội. Với giáo dục càng không thể “dục tốc”, bởi sản phẩm của giáo dục là con người và không thể ngày một, ngày hai đã có kết quả. Bác Hồ cũng luôn dặn dò: Làm ít nhưng làm gì thì làm cho hẳn hoi.
Làm giáo dục một cách tử tế và hẳn hoi
Theo PGS Đặng Quốc Bảo, hệ giá trị đó là: Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm. Tức là phải đào tạo những con người có Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm. Trong mỗi con người, NHÂN và TRÍ là hai giá trị nền tảng nhưng phải có DŨNG. Nếu hình tượng hóa thì NHÂN là một cực, TRÍ là một cực và nó phải được hội tụ cả DŨNG. Nhưng với người Việt Nam thì DŨNG phải đi với hai giá trị khác đó là NGHĨA. Tức là sống phải có tình, có nghĩa và phải trong sạch.
Đó cũng chính là LIÊM. “Tôi và một số anh em làm giáo dục luôn nhấn mạnh điều Bác Hồ nói ở trên, bởi đó là 5 giá trị mà hiện nay chúng ta phải giáo dục cho thế hệ trẻ. Các nhà trường đang đi vào đổi mới giáo dục. Nhưng dù có đổi mới như thế nào đi nữa thì cũng phải rèn luyện cho thế hệ trẻ đạt được 5 phẩm chất: Nhân - Nghĩa - Trí – Dũng - Liêm” - PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Nhắc lại ba tượng đài của các nhà trường ở thế kỷ trước, PGS Đặng Quốc Bảo chia sẻ, ba tượng đài đó là: Trường Bắc Lý, Trường Thanh niên Lao động Xã hội Chủ nghĩa Hòa Bình và Trường học xã Cẩm Bình. Nguyên lãnh đạo Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo tin rằng, trong thế kỷ mới, công cuộc đổi mới giáo dục đang tiến hành, chúng ta sẽ tiếp tục có những điển hình tiên tiến.
“Tôi muốn nói đến Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) do Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Ở trường này có một đạo học là, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Nhà trường đang xây dựng thành Trường học hạnh phúc. Họ rất thực tiễn và hăng hái tiến vào cuộc đổi mới giáo dục. Tất nhiên, không phải họ hăng hái theo bề nổi mà đi vào chiều sâu mà ta vẫn gọi là “Sư phạm của tình bạn dân chủ”. Họ cũng luôn ý thức rằng: Làm giáo dục một cách tử tế và hẳn hoi.
Tôi muốn nhấn mạnh hai từ này, đặc biệt là từ “Hẳn hoi” - một từ rất thuần Việt, giản dị nhưng bao hàm ý nghĩa rất sâu sắc” - PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh, đồng thời mong muốn, chúng ta phải xây dựng những nhà trường tử tế và hẳn hoi; đó là những điều căn cốt của công cuộc đổi mới giáo dục và cũng là những điều mà trong năm 2020 chúng ta hướng tới. Chúng ta có niềm tin vì đa số các nhà trường và các thầy, cô giáo đều là những người tử tế và hẳn hoi.
“Giáo dục vừa là kinh tế, vừa là văn hóa, vừa là chính trị, vừa là xã hội. Tôi hay nói tinh thần Nhị hóa trong giáo dục, vừa dân chủ hóa giáo dục nhưng đồng thời biết xã hội hóa giáo dục. Có như vậy chúng ta mới có thể tạo nên được những sự nghiệp. Nhưng rõ ràng là phía trước còn rất nhiều những khó khăn, không có việc gì là dễ dàng, ngành nào cũng cần phải nỗ lực”.
PGS Đặng Quốc Bảo
Sỹ Điền (ghi)