Có ba tiêu chí quan trọng để xây dựng nên một trường học hạnh phúc đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng, đồng thời xác định hoạt động nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo - người lao động là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc. Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho GV và HS cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh HS và toàn xã hội.
Chiều ngày 11/3, Công đoàn trường THCS Cổ Bi đã tổ chức buổi hội thảo “Xây dựng trường học hạnh phúc” để cùng nhau trao đổi, thảo luận đưa ra những giải pháp để cùng nhau xây dựng một môi trường “Hạnh phúc”
Mở đầu buổi hội thảo, đồng chí Đỗ Thị Mai – Giáo viên của trường đã nêu mục đích, yêu cầu của buổi hội thảo. Có thể thấy, nhà trường rất quan tâm tới việc xây dựng môi trường sư phạm thực sự yêu thương, an toàn và tôn trọng. HS chính là đối tượng trung tâm của sự nghiệp giáo dục và là chủ nhân của “Trường học hạnh phúc”, cần được lưu tâm đầu tiên.
Trường học hạnh phúc, trước hết là nơi HS cảm nhận được hạnh phúc. Các em không chỉ được tiếp thu kiến thức, mà còn vui chơi, giải trí, tự do thể hiện tư duy, năng lực cá nhân và kỹ năng sáng tạo theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi của mình. Ở đó, HS được chăm sóc, bảo vệ, không có bạo lực học đường, các em HS và thầy cô có cơ hội đến gần với nhau hơn; HS được thầy cô tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ mọi phương diện, không còn bị áp lực về điểm số, về thành tích học tập, về các phong trào thi đua mang tính hình thức.
Tại buổi hội thảo, các công đoàn viên đã trao đổi xung quanh ý kiến các tham luận của các đồng chí: Nguyễn Thị Minh Thư – “Thế nào là trường học hạnh phúc”; đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên – “Xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh”; đồng chí Phạm Thị Tuyết Lan – “Xây dựng mối quan hệ giữa BGH với giáo viên”; đồng chí Nguyễn Thị Lê Vân – “Xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh học sinh”. Có thể nói, đây là những vấn đề cốt lõi để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc.
HS được chăm sóc, bảo vệ, không có bạo lực học đường, các em HS và thầy cô có cơ hội đến gần với nhau hơn; HS được thầy cô tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ mọi phương diện, không còn bị áp lực về điểm số, về thành tích học tập, về các phong trào thi đua mang tính hình thức. Tiếp theo, “Trường học hạnh phúc” được tạo nên bởi các hành vi chuẩn mực của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tụy. Phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc nhằm tạo cơ hội cho nhà giáo đổi mới, thực hiện phương pháp giáo dục và ứng xử các tình huống sư phạm phù hợp, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo và giáo dục HS đạt hiệu quả. GV cần tích cực tự học, tự rèn luyện, bổ sung kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, tiến tới khắc phục hoàn toàn hiện tượng nhà giáo vi phạm đạo đức, có hành vi ứng xử phản sư phạm; biến những khó khăn, thách thức trong nghề thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, đồng nghiệp và HS.
Xây dựng “Trường học hạnh phúc” luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Đây chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong chặng đường dài trước mắt, đòi hỏi từ lãnh đạo, GV đến HS đều phải phấn đấu chuyển biến.
Để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, trước hết phải xây dựng môi trường hạnh phúc, GV hạnh phúc. Thầy cô hạnh phúc trong công việc của mình, từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến HS.
Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan toả, song hành cùng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.