TRƯỜNG THCS CỔ BI
TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG PHÁO NỔ, PHÁO HOA TRƯỚC VÀ SAU DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025
Các thầy cô và các em học sinh thân mến!
Trong dịp gần tết Nguyên Đán xin gửi đến thầy cô và các bạn học sinh bài tuyên truyền phòng chống các loại vũ khí, vật liệu nổ, quản lý và sử dụng pháo nổ nhân dịp Tết 2025.
Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần, Tết là lúc chúng ta được quây quần bên gia đình và người thân, được người lớn mừng tuổi và dành cho những lời chúc tốt đẹp.
Trong những năm qua, các hành vi về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo trái phép vào các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của đất nước.
Pháo và thuốc pháo là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trước đây ở nước ta, hàng năm cứ đến đêm giao thừa, nhà nhà lại đốt pháo để đón chào năm mới. Sau tràng tiếng nổ đinh tai, nhức óc, trên mặt đất còn lại đầy xác pháo và các đám khói mù mịt. Tập tục này tuy có đem đến cho mọi người niềm vui trong ngày lễ hội nhưng cũng tạo nên rất nhiều nguy hại khó lường.
Khi đốt pháo, ngoài các tiếng nổ đùng đoàng, tạch tạch, cùng ánh sáng nhiều màu, nhiều vẻ của pháo hoa còn có các đám bụi khói. Một lượng lớn khí có hại cho sức khoẻ con người và bụi của các oxit kim loại. Chính các chất khí này khi hoà tan vào nước mưa sẽ tạo nên các đám mưa axit. Khi đốt quá nhiều pháo nổ mà gặp lúc không có gió, áp suất khí quyển thấp thì không có cách nào làm cho bay tản đi nơi khác, sẽ kích thích mạnh đường hô hấp khiến người ta ho, viêm phế quản. Khi làm pháo, khi vận chuyển, khi đốt, trong một số bước tiến hành nếu có sơ suất có thể làm nổ một lượng lớn thuốc pháo hoặc pháo thành phẩm, có thể gây thương vong lớn. Ở nước ta, trong những năm gần đây vào các ngày lễ tết, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán đã xảy ra rất nhiều trường hợp thương vong đáng tiếc. Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương do pháo và thuốc pháo gây nên.
Ngoài ra khi đốt pháo, tiếng nổ đinh tai cũng gây tiếng ồn lớn, góp phần gây “ô nhiễm âm thanh” ở các làng xóm, thành phố. Khi đốt pháo bất ngờ có thể làm cho trẻ em, khách bộ hành kinh hoàng, gây tác động có hại cho trật tự công cộng.
Về kinh tế, việc đốt pháo của các gia đình Việt Nam đã tiêu tốn rất nhiều tiền đó là chưa tính đến việc bắn pháo hoa công cộng. Trong khi đó, chúng ta còn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, còn nhiều vùng khó khăn rất cần sự quan tâm đầu tư, còn rất nhiều người nghèo cần sự chia sẻ đùm bọc miếng cơm manh áo.
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh!
Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, tình hình vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ lại có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, do hiếu kỳ, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên nhiều bạn đã có hành vi vi phạm,trong đó đáng lưu ý là hiện tượng chế tạo pháo nổ trái phép bằng cách lên mạng xã hội để tìm hiểu công thức và mua các nguyên liệu để chế tạo pháo.Khi tự ý chế tạo hay đốt pháo trái phép, các bạn học sinh không thể lường trước được những rủi ro lớn sẽ xảy ra, một số vụ việc gây nguy hại và tổn thương nhiều mặt an ninh, sức khoẻ, kinh tế…
Các vụ tai nạn do tự chế tạo pháo để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, có học sinh tử vong, có học sinh bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, thương tật suốt đời, để lại nỗi đau cho gia đình, xã hội.
Các vụ việc chế tạo, sử dụng trái phép, buôn bán chất nổ, pháo…trên đều bị Cơ quan Công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Pháo và thuốc pháo là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản. Ngày 27/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, cụ thể:
- Tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm:
– Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
– Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
– Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
– Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
– Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
– Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
– Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
– Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
- Tại Điều 17Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng như sau:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
- Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CPngày 31/12/2021, trong đó quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ, cụ thể như sau:
– Tại Khoản 2, Điều 11 quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sau:
+ Chiếm đoạt, trao đổi, làm giả, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo.
+ Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo;
+ Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo.
+ Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
+ Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo.
– Tại Khoản 3, Điều 11 quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với những hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép.
– Tại Khoản 4, Điều 11 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sau:
+ Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ;
+ Chiếm đoạt phụ kiện nổ;
+ Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;
+ Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức.
– Tại Khoản 5, Điều 11quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối vớihành vi Mang trái phép pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
- Người đốt pháo bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sau:
– Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1, Điều 245 BLHS:
+ Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người.
+ Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy.
+ Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác.
+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo.
+ Đốt pháo nổ với số lượng dưới 01 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 245 BLHS:
+ Đã bị kết án về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo mục 1, phần II, Thông tư này.
+ Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo.
+ Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ).
+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặctương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.
– Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật này, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra. Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 245 BLHS, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại Điều 104 BLHS”.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” đối với:
– Người nào tàng trữ pháo nổ từ 06 kg đến dưới 40 kg thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với hành vi tàng trữ Pháo nổ từ 40 kg đến dưới 120 kg.
– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm hành vi tàng trữ pháo nổ 120 kg trở lên.
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh!
Để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này trên địa bàn huyện nói chung và trong trường học của chúng ta nói riêng, đề nghị các bạn học sinh thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
- Tuyệt đối không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, nhất là dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
- Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ; không tàng trữ và sử dụng các vật liệu nổ.
- Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo, vật liệu nổ, hãy báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Chào xuân mới và mừng Tết Nguyên đán cổ truyền 2025 của dân tộc, các bạn học sinh trường THCS Cổ Bi hãy thực hiện và tuyên truyền cho người thân tốt các vấn đề sau:
- Không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo, không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ.
- Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ.
- Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, mỗi người hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.
Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Chúng ta hãy nói không với các loại pháo các bạn nhé!