Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nội dung nhất quán và xuyên suốt trong quan điểm của Đảng.
Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”...
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế: “Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động”; “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”; Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động”.
Học tập suốt đời được coi là mục tiêu phát triển giáo dục của các quốc gia nhằm nâng cao nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự gắn kết xã hội, duy trì và cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.
Thực tế cho thấy, trong thời đại công nghệ số ngày nay, tri thức rộng lớn của nhân loại không chỉ nằm trong sách vở, thư viện mà còn trên Internet; việc truyền thụ tri thức không còn chỉ tùy thuộc vào năng lực sư phạm của người thầy trên bục giảng, mà còn được truyền thụ trên internet. Người học với vai trò trung tâm, bằng các công cụ truyền thông đa phương tiện tiến bộ của công nghệ số, có thể tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi từ nhiều nguồn mà không phải mất nhiều chi phí. Trong không gian số hóa, mọi người chia sẻ tri thức phong phú và đa dạng qua nhiều hình thức trong không gian rộng mở và hiện đại được dễ dàng đến với mọi người. Vì thế tri thức không còn là độc quyền của các nhà khoa học và nhà giáo, mà ngày nay được phổ quát đến đại chúng. Đây là sự hỗ trợ mạnh mẽ cho việc đẩy mạnh xây dựng cộng đồng học tập qua mạng, xây dựng xã hội học tập.
Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đặt ra mục đích mọi công dân tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Năm nay, sự kiện Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của tự học trong kỷ nguyên số với việc học tập suốt đời.
Với chủ đề “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay gửi đến toàn thể chúng ta một thông điệp: tự học trong kỷ nguyên số mang lại nhiều giá trị, cơ hội để thay đổi, để tiếp cận tri thức của nhân loại, mở ra cho mọi người cơ hội học tập thường xuyên, cơ hội học tập suốt đời mọi lúc, mọi nơi, mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức học tập.
Với thông điệp đó, chúng ta có thể thấy, năng lực tự học trong kỷ nguyên số thật sự góp phần xây dựng nên một xã hội học tập, mang màu sắc và hơi thở của thời đại, thời kỳ mà công nghệ số chi phối mạnh mẽ mọi hoạt động đời sống xã hội của con người. Trong đó, xã hội học tập được minh họa qua nhiều hình thức học tập phong phú, đa dạng và linh hoạt (học theo lớp, học trong trường chính quy, học ở ngoài nhà trường, học qua mạng, từ xa, học qua đồng nghiệp…) học trên internet, học bằng các công cụ truyền thông đa phương tiện tiến bộ của công nghệ số. Do vậy, để thích ứng và tận dụng cơ hội mà công nghệ số mang lại, phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời, mỗi chúng ta phải hình thành thói quen tốt là luôn tự học tập một cách thông minh, vận dụng tối đa những thành tựu của công nghệ thông tin vào phục vụ cho việc học tập.
Hiện nay Thành phố của chúng ta tổ chức tốt và nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ số từ hệ thống các trường học chính quy, đến hệ thống giáo dục thường xuyên, phủ khắp 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện cho người dân được học tập và học tập suốt đời nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng và tay nghề, góp phần thay đổi chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng, giá trị cuộc sống của Nhân dân./.